Phù Tay Voi còn gọi là phù bạch mạch, là do tình trạng ứ đọng chất lỏng bạch huyết trong các mô kẽ. Nó có thể xảy ra ở cánh tay, chân và các vùng khác của cơ thể. Không chỉ biểu hiện sưng, viêm ở các chi mà chúng còn gây đau đớn, khó vận động ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bệnh nhân.
Vậy làm thế nào để thoát khỏi tình trạng phù tay voi và cải thiện các triệu chứng khó chịu của chúng? Các bác sĩ chuyên khoa của chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn các phương pháp phẫu thuật điều trị phù tay voi tại Bệnh viện Bình Dân, những giải pháp điều trị phù tay voi hiệu quả nhất hiện nay.
Phù tay voi là gì?
Phù tay voi còn gọi là phù bạch mạch là một tình trạng đặc trưng bởi biểu hiện sưng đau ở tứ chi (cánh tay và/hoặc chân). Phù bạch mạch xảy ra khi có sự quá tải về chức năng của hệ thống bạch huyết, khi đó thể tích dịch bạch huyết vượt quá khả năng vận chuyển của hệ thống bạch mạch. Sự tích tụ các chất đại phân tử trong mô kẻ làm tăng áp lực thẩm thấu trong tổ chức gây phù. Sưng nề dai dẳng và protein tích tụ dẫn đến xơ hóa và tạo ra một môi trường tốt cho các đợt viêm tế bào và mạch bạch huyết lặp đi lặp lại. Vì các bạch mạch bị giãn nên các valve bị mất chức năng làm tăng ứ đọng dịch.
Phù bạch mạch, biểu hiện sưng phù ở cánh tay và chân
Nguyên nhân phù tay voi?
Có rất nhiều nguyên nhân gây phù bạch mạch nhưng có thể chia thành 2 nhóm nguyên nhân là:
- Phù bạch mạch nguyên phát: Do bẩm sinh (do dị dạng bẩm sinh của hệ thống bạch mạch)
- Phù bạch mạch thứ phát: Do tổn thương hệ thống bạch mạch và/hoặc bạch huyết (sau phẫu thuật ung thư, xạ trị, nhiễm ký sinh trùng…)
Triệu chứng của phù tay voi?
Có một số triệu chứng ảnh hưởng đến bệnh nhân bị phù tay voi (PBH) thường xấu đi theo thời gian như:
- Sưng tấy do dịch bạch huyết
- Thay đổi chất lượng da như xơ hóa da
- Đau đớn.
- Có những đợt đỏ, đau lở chi phù, được gọi là viêm mạch bạch huyết
- Tích tụ mỡ
Lựa chọn phẫu thuật phù tay voi (phù bạch mạch)?
Các lựa chọn điều trị phẫu thuật cho phù bạch huyết bao gồm: Phẫu thuật giảm nhẹ và phẫu thuật sinh lý.
Phẫu thuật giảm nhẹ: Giúp giải quyết tạm thời tình trạng tăng kích thước của chi phù, không giải quyết được tình trạng tắc mạch bạch huyết. Hiện tại hạn chế sử dụng.
Phẫu thuật sinh lý: Giúp tái lập lại sự lưu thông của hệ thống mạch bạch huyết. Phổ biến hiện nay là phẫu thuật nối bắc cầu bạch mạch – tiểu tĩnh mạch và phẫu thuật ghép hạch (hay chuyển vạt hạch có cuống nuôi). Đây là 2 phẫu thuật được lựa chọn ở các trung tâm lớn trên thế giới, 2 phẫu thuật này đã được thực hiện tại Bệnh viện Bình Dân trong thời gian qua và cho thấy kết quả tốt.
QUY TRÌNH PHẪU THUẬT ĐIỀU TRỊ PHÙ TAY VOI (PHÙ BẠCH MẠCH) TẠI BỆNH VIỆN BÌNH DÂN
Bước 1: Khám và chẩn đoán phù bạch mạch
Bệnh nhân được khám bởi Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình:
- Khám các triệu chứng lâm sàng
- Thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng
- Chẩn đoán phù bạch mạch, giai đoạn phù
- Các bệnh lý kèm theo
- Lên kế hoạch điều trị cho bệnh nhân.
Bước 2: Khám tiền mê trước mổ
Bệnh nhân được khám bởi các Bác sĩ gây mê để đánh giá các nguy cơ khi gây mê, lên phương án gây mê để phẫu thuật.
Bước 3: Phẫu thuật
Phẫu thuật điều trị phù bạch mạch: 1 trong 2 phương pháp
- Phẫu thuật nối bạch mạch – tiểu tĩnh mạch: Áp dụng cho các bệnh nhân ở giai đoạn sớm (I, II). Qua 2-3 vết rạch nhỏ trên chi phù, Bác sĩ sẽ bóc tách các mạch bạch huyết ở ngoại vi và các tĩnh mạch nhỏ, sau đó tiến hành khâu nối mạch bạch huyết với tiểu tĩnh mạch qua kính hiển vi điện tử. Kiểm tra thông nối và đóng vết mổ.
- Phẫu thuật ghép hạch: Bác sĩ sẽ lấy vạt da mỡ kèm hạch bạch huyết ở các vị trí như bẹn, dưới hàm, thành ngực ngoài… kèm với cuống mạch máu nuôi dưỡng. Sau đó vạt hạch sẽ được chuyển đến ghép ở chi phù, nối cuống mạch vạt với mạch máu tại nơi tiếp nhận dưới kính hiển vi điện tử. Khâu cố định vạt và đóng vết mổ nơi cho vạt.
Bước 4: Chăm sóc sau mổ
- Chi phù được kê cao
- Bệnh nhân được dùng kháng sinh, giảm đau trong 1 tuần đầu
- Cắt chỉ sau 7 ngày
- Chế độ dinh dưỡng đảm bảo để thúc đẩy quá trình lành vết mổ
- Các biện pháp điều trị nội khoa hỗ trợ được tiếp tục sau khi vết mổ lành tốt: Massage dẫn lưu bạch huyết, băng thun ép hoặc băng ép hơi ngắt quãng. Các biện pháp này duy trì 3-6 tháng sau mổ. Sau đó giảm về cường độ.
Bước 5: Đánh giá kết quả
- Kết quả được đánh giá sau mỗi lần tái khám, kết quả chung được xác định sau khoảng 6 tháng.
- Đánh giá dựa vào kích thước của chi phù, ngừng tăng hoặc giảm
- Giảm đau
- Không có các đợt viêm bạch mạch
Hình ảnh phù bạch mạch ở tay trước và sau ghép hạch kết hợp tái tạo vú (Becker C)
Những rủi ro biến chứng của phẫu thuật phù tay voi là gì?
- Các biến chứng của gây tê, gây mê
- Nhiễm trùng
- Tụ dịch
- Phù tại nơi lấy vạt
- Sẹo xấu
Bạn cần chuẩn bị gì cho phẫu thuật phù tay voi?
Để chuẩn bị cho phẫu thuật phù tay voi, bạn có thể được yêu cầu:
- Thực hiện các xét nghiệm thường quy, một số xét nghiệm khác như siêu âm, chụp MRI bạch mạch
- Dùng một số loại thuốc hoặc điều chỉnh các loại thuốc hiện tại của bạn
- Bạn nên bỏ thuốc lá ít nhất 1 tháng trước khi phẫu thuật
- Tránh dùng aspirin, thuốc chống viêm và các thực phẩm chức năng trước mổ 10 ngày
Liên hệ với chúng tôi để được tư vấn trực tiếp nếu bạn còn băn khoăn hoặc muốn biết thêm chi tiết:
Tiến sĩ – Bác sĩ NGUYỄN VĂN PHÙNG
724 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 090.27.27.138