Close

Phù bạch huyết thứ phát

PHÙ BẠCH MẠCH THỨ PHÁT

Phù bạch mạch là hiện tượng lâm sàng được định nghĩa bằng sự gia tăng thể tích của một vùng trên cơ thể do sự lưu thông kém của hệ thống bạch huyết. Có rất nhiều nguyên nhân gây phù bạch mạch nhưng có thể chia thành 2 nhóm nguyên nhân là: do bẩm sinh hay phù bạch mạch nguyên phát (do dị dạng bẩm sinh của hệ thống bạch mạch) hoặc do mắc phải hay phù bạch mạch thứ phát do tổn thương hệ thống bạch mạch và/hoặc bạch huyết (sau phẫu thuật ung thư, xạ trị, nhiễm ký sinh trùng…).

Bất kỳ các vấn đề nào ảnh hưởng đến hạch bạch huyết và/hoặc các mạch bạch huyết đều có thể gây phù bạch mạch thứ phát.

Nguyên nhân phù bạch mạch thứ phát bao gồm:

Phẫu thuật điều trị ung thư: Có thể gây phù bạch mạch thứ phát nếu các hạch bạch huyết và mạch bạch huyết được loại bỏ hoặc cắt. Tại các nước phát triển, ung thư và các phương pháp điều trị của nó là những nguyên nhân phổ biến nhất của phù bạch mạch. Trong ung thư vú, tỷ lệ phù bạch mạch khoảng từ 10% ở những bệnh nhân có nạo hạch và đến 40% ở những bệnh nhân có xạ trị.

Trước đây điều trị ung thư vú bằng phẫu thuật bao gồm cắt toàn bộ tuyến vú, cắt cơ ngực lớn và nạo toàn bộ các nhóm hạch nách. Sau đó phẫu thuật đoạn nhũ có cải tiến là chừa lại không cắt cơ ngực lớn nhưng cũng cắt toàn bộ tuyến vú và nạo một phần hạch nách. Tuy nhiên, đây là phương pháp gây tắc hạch bạch huyết dẫn đến phù bạch mạch chi trên nặng nề nhất do cắt bỏ toàn bộ hạch bạch huyết.

Kể từ thập niên 90, phương pháp điều trị phẫu thuật bảo tồn tuyến vú kết hợp với xạ trị được áp dụng rộng rãi cho những trường hợp ung thư có kích thước nhỏ. Phương pháp này cho tỷ lệ sống tương đương với phẫu thuật cắt tuyến vú toàn bộ và biến chứng phù bạch mạch ít nặng nề hơn do loại bỏ ít hơn hạch bạch huyết .

Sau đó phương pháp sinh thiết hạch canh gác được thay thế nạo hạch thường quy, chỉ lấy vài hạch nhỏ ở nách qua một đường rạch nhỏ để xét nghiệm. Nếu có tế bào ung thư di căn thì sẽ nạo hạch, còn nếu không có tế bào ung thư di căn thì sẽ không nạo hạch. Phương pháp này giúp làm giảm các biến chứng của nạo hạch và ít gây nên biến chứng phù bạch mạch hơn đáng kể .

Tia xạ điều trị ung thư: Có thể gây ra sẹo và viêm hạch bạch huyết hoặc các mạch bạch huyết, hạn chế dòng chảy của chất lỏng bạch huyết, từ đó góp phần gia tăng phù bạch mạch.

Ung thư: Có thể gây phù bạch mạch nếu làm tắc nghẽn mạch bạch huyết. Ví dụ, một khối u đang phát triển gần một hạch bạch huyết hay mạch bạch huyết có thể trở thành đủ lớn để gây cản trở dòng chảy của chất lỏng bạch huyết.

Nhiễm trùng: Có thể xâm nhập vào các mạch bạch huyết và các hạch bạch huyết, hạn chế dòng chảy của chất lỏng bạch huyết và gây phù bạch mạch. Ký sinh trùng cũng có thể chặn các mạch bạch huyết. Phù bạch mạch liên quan đến nhiễm trùng thường gặp nhất ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới và có nhiều khả năng xảy ra ở các nước đang phát triển.

Chấn thương, phẫu thuật: Khi làm tổn thương các hạch bạch huyết và / hoặc mạch bạch huyết thì có thể gây ra tình trạng phù bạch mạch.

Tiến sĩ – Bác sĩ NGUYỄN VĂN PHÙNG
724 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 090.27.27.138