Phù bạch mạch là gì?
Phù bạch mạch là hiện tượng xảy ra khi có sự quá tải về chức năng của hệ thống bạch huyết, khi đó thể tích dịch bạch huyết vượt quá khả năng vận chuyển của hệ thống bạch mạch dẫn đến việc tích tụ các chất đại phân tử trong mô kẻ làm tăng áp lực thẩm thấu trong tổ chức gây phù.
Nguyên nhân của phù bạch mạch?
Phù bạch mạch hay còn gọi phù tay voi, phù chân voi, là bệnh lý khá phổ biến với các nguyên nhân bẩm sinh hoặc mắc phải:
- Do dị dạng bẩm sinh của hệ thống bạch mạch.
- Do tổn thương hệ thống bạch mạch và/hoặc bạch huyết: Sau phẫu thuật ung thư, xạ trị, nhiễm ký sinh trùng…
Các giai đoạn của phù bạch mạch
Theo hiệp hội bạch mạch quốc tế, phù bạch mạch chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn I phù bạch mạch thoái triển khi điều trị và thử nghiệm ấn lún dương tính, giai đoạn II phù bạch mạch thoái triển 1 phần khi điều trị và thử nghiệm ấn lún âm tính, giai đoạn III là phù voi với các biến chứng về da và tình trạng nhiễm trùng tái diễn. Tác giả Campisi và hiệp hội bạch mạch Ý chia các giai đoạn phù bạch chi tiết hơn thành 5 giai đoạn: giai đoạn I, không thường xuyên phù nề; giai đoạn II, phù liên tục, giai đoạn III, phù dai dẳng tiến triển với viêm bạch mạch cấp tính; giai đoạn IV, phù bạch mạch xơ hoá; và giai đoạn V, phù chân voi.
Các phương pháp điều trị phù bạch mạch
Lâu nay trong thực tế lâm sàng vẫn còn phổ biến quan niệm sai lầm là không thể điều trị phù bạch mạch, các bệnh nhân thường được khuyên phải chấp nhận trình trạng phù bạch mạch. Vì vậy cần khẳng định lại rằng, phù bạch mạch vẫn có thể điều trị với nhiều phương pháp kết hợp với nhau tuỳ theo giai đoạn của phù bạch mạch. Việc điều trị phù bạch mạch nên bắt đầu bằng những biện pháp để dự phòng. Việc phát hiện sớm và điều trị sớm là một vấn đề cực kỳ quan trọng, đo chu vi và thể tích chi sẽ giúp tìm ra những thay đổi về kích thước của chi bệnh, cho phép can thiệp sớm nhất có thể được nhằm mang lại kết quả tốt nhất. Nếu không được điều trị phù tiến triển chậm và gây tổn thương mô và phát triển qua các giai đoạn như đã nêu trên. Điều trị phù được thực hiện bất kỳ giai đoạn nào nhưng vào các giai đoạn sau thì khó khăn và ít hiệu quả hơn do có những thay đổi ở thành phần mỡ và xơ trong tổ chức liên kết. Mục đích của điều trị là làm giảm thể tích càng nhiều càng tốt và thường xuyên duy trì chi có kích thước nhỏ nhất có thể được. Để đạt kết quả tốt nhất và duy trì kết quả điều trị, sự hợp tác của bệnh nhân có vai trò quyết định. Vì vậy trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào, bệnh nhân cần phải hiểu rõ và tuân thủ hoàn toàn các phương pháp điều trị và duy trì các chương trình trị liệu cho đến khi đạt được những thành công về mặt lâm sàng.
Có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị phù bạch mạch, tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, từng giai đoạn khác nhau để có thể áp dụng một hoặc nhiều phương pháp phối hợp. Các phương pháp bao gồm 2 nhóm là điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa (phẫu thuật).
Điều trị nội khoa: Chăm sóc da, móng, lưu thông bạch huyết bằng tay (MLD), băng ép, thể dục liệu pháp, băng ép hơi ngắt quãng và dẫn lưu tư thế và có thể sử dụng một số thuốc hỗ trợ theo chỉ định và hướng dẫn của Bác sĩ.
Điều trị ngoại khoa: Các phương pháp phẫu thuật điều trị phù bạch mạch có thể chia thành 2 nhóm: Phẫu thuật giảm nhẹ và phẫu thuật sinh lý. Phẫu thuật giảm nhẹ là phương pháp giúp làm giảm thể tích chi bị phù bằng cách cắt bỏ hoặc hút mỡ, phương pháp này ngày nay ít sử dụng vì không giải quyết được tình trạng ứ đọng bạch huyết và có thể để lại sẹo xấu (cắt bỏ). Phẫu thuật sinh lý bao gồm các phẫu thuật nhằm lập lại sự lưu thông của dòng bạch huyết bằng cách tạo ra các kênh mới để tăng công suất của hệ thống bạch huyết: phẫu thuật nối bắc cầu bạch mạch – tĩnh mạch, bắc cầu bạch mạch vùng phù sang vùng bạch mạch bình thường, ghép bạch mạch. Phẫu thuật nối bắc cầu bạch mạch – tiểu tĩnh mạch là phẫu thuật sử dụng kỹ thuật “siêu vi phẫu” để tạo những miệng nối giữa đầu xa của hệ thống bạch mạch với các tĩnh mạch nhỏ liền kề.