CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH PHÙ BẠCH MẠCH
Việc phát hiện tình trạng phù bạch mạch ở giai đoạn sớm thường là các biểu hiện tự cảm nhận từ bệnh nhân như “có cảm giác nặng nề tay hoặc chân trong” “ hiện tại thấy to lên”. Khoảng ½ bênh nhân được ghi nhận có tay sưng to tối thiểu 1-2 cm, phải chịu đựng các triệu chứng “cánh tay nặng”. Vì vậy thông thường bệnh nhân đến khám khi tình trạng phù bạch mạch đã rõ. Vấn đề chẩn đoán chủ yếu là đánh giá mức độ tổn thương của hệ thống bạch huyết và giai đoạn của phù bạch mạch. Có thể dựa vào các dấu hiệu lâm sàng và một số xét nghiệm cận lâm sàng:
LÂM SÀNG
Sự tích tụ dịch bạch huyết trong các khoảng kẻ có thể không có biểu hiện lâm sàng trong giai đoạn sớm của bệnh nhưng sẽ thấy được sự gia tăng cung lượng bạch huyết cho tới việc giảm khả năng lưu thông hệ bạch mạch vì vậy phù bạch mạch tiền lâm sàng biểu hiện ngay sau khi phẫu thuật hoặc xạ trị.
Triệu chứng phổ biến nhất của phù tay voi là sưng ở một hoặc cả hai cánh tay hoặc chân. Biểu hiện sưng, có thể đến các ngón tay hoặc ngón chân, và chúng thường phát triển dần dần theo thời gian.
Lúc đầu, vị trí phù tay voi sẽ sưng, mềm. Theo thời gian, nó có thể trở nên dày đặc và xơ cứng hơn, và nó có thể làm cho làn da của bạn trông nổi hạt. Bạn cũng có thể bị đau, nặng nề cánh tay, chân hoặc phạm vi chuyển động hạn chế ở chi bị ảnh hưởng, điều này có thể khiến bạn khó tập thể dục hoặc thực hiện các hoạt động khác.
Theo thời gian, các triệu chứng này có thể dẫn đến các vấn đề khác bao gồm những đợt nhiễm trùng, và trong một số trường hợp hiếm gặp là ung thư sẽ xảy ra. Nếu biểu hiện sưng ở cánh tay hoặc chân của bạn không biến mất, bạn nên được khám bởi bác sĩ chuyên khoa.
Biểu hiện phù bạch mạch có thể biểu hiện qua các giai đoạn sau :
-
Giai đoạn sớm (giai đoạn 0): Dễ điều trị
Một cơ thể khỏe mạnh có thể dễ dàng duy trì tải trọng bạch huyết của cơ thể, bao gồm protein, nước, tế bào và chất béo. Tuy nhiên, nếu các mạch, hạch bạch huyết bị tổn thương một phần do xạ trị hoặc do phẫu thuật điều trị ung thư, khả năng xử lý khối lượng tăng thêm của cơ thể sẽ bị giảm. Điều này được gọi là phù bạch mạch giai đoạn sớm. Khả năng vận chuyển bị giảm, tạo tiền đề cho sự quá tải của hệ bạch huyết. Ở giai đoạn này, phù bạch mạch dễ hồi phục và dễ điều trị.
Các triệu chứng ban đầu của phù bạch mạch là sưng kín đáo hoặc cảm giác đầy ở một chi, thường đi kèm với sự khó chịu ở mức độ thấp và đôi khi có thể đau nhẹ. Bạn có thể thấy khó khăn hoặc thắt chặt khi mặc quần áo.
-
Giai đoạn đầu (giai đoạn I): Phù ấn lõm, phù bạch mạch có thể phục hồi
Nếu giai đoạn sớm bị bỏ qua hoặc không được điều trị, phù ấn lõm có thể xảy ra. Đây có thể xem như là giai đoạn đầu tiên của phù bạch mạch, còn được gọi là phù bạch mạch đảo ngược. Ở giai đoạn này bệnh nhân có biểu hiện phù nhẹ, mềm ấn lõm không xơ hóa, lâm sàng thấy giảm sưng nề rõ khi nâng cao chi.
-
Giai đoạn thứ hai (giai đoạn II): Phù bạch mạch không phục hồi tự nhiên
Tiến triển của phù ấn lõm và bắt đầu xơ hóa mô liên kết xảy ra trong giai đoạn thứ hai của phù bạch mạch, hoặc phù không hồi phục tự nhiên. Da xơ cứng lại và không còn hồi phục khi thức dậy. Khi dùng tay ấn vào da, vết lõm sẽ vẫn còn và không khôi phục lại trạng thái ban đầu. Ở giai đoạn này không giảm sưng nề khi nâng cao chi. Bệnh nhân thường có dấu hiệu Stemmer dương tính: vùng da mặt lưng ngón tay, ngón chân không thể kéo lến hoặc kéo lên rất khó khi so sáng với vùng da ở chi bình thường. Nhiễm khuẩn da thường hay gặp ở giai đoạn này do bị giảm miễn dịch để đáp ứng với vi khuẩn và mảnh vụn dị vật. Nhiễm khuẩn có thể ảnh hưởng đến các kênh bạch mạch làm gia tăng cung lượng bạch huyết do đáp ứng viêm và giảm khả năng lưu thông bạch mạch.
-
Giai đoạn thứ ba (giai đoạn III): Phù tay voi
Giai đoạn ba phù bạch mạch, phù tay voi xảy ra. Tại thời điểm này, bệnh đã tiến triển đến mức thay đổi da vĩnh viễn. Rất khó để nắm lấy da của khu vực bị ảnh hưởng bằng hai ngón tay vì biểu hiện sưng căng cứng của chúng. Các dấu hiệu xơ hóa nặng nề, tăng thể tích và các những biến đổi ở da như tạo nhú sần sùi, nang hóa, có đường dò và dày sừng. Các nếp gấp da sâu hơn ở cổ tay và cổ chẩn, bệnh nhân không có hoặc ít ấn lõm và dấu hiệu Stemmer trở nên nổi trội hơn. Sự tái phát nhiễm khuẩn ở da, ở móng do vi khuẩn và do nấm thường hay gặp ở giai đoạn này
CẬN LÂM SÀNG
Một số xét nghiệm góp phần vào việc chẩn đoán, đánh giá mức độ tổn thương hệ thống bạch huyết như:
- Chụp nhấp nháy bạch mạch
- Chụp bạch mạch huỳnh quang với indocyanine green
- Chụp MRI bạch mạch